Thủy đậu là bệnh ngoài da cấp tính thường gặp ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm, thường gặp nhiều ở mùa đông - xuân và dễ lan nhanh thành dịch. Khi bị mắc bệnh, điều quan trọng là phải chú ý giữ gìn vệ sinh và thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh để đề phòng bội nhiễm như sốt cao, mụn phỏng lở loét.
Về nguyên nhân sinh bệnh, Đông y cho rằng thủy đậu là do cảm nhiễm ngoại tà, phong nhiệt bị uất kết ở cơ biểu phối hợp với dịch khí lưu hành, nên bệnh tà phát nhanh, lưu hành mạnh mang tính chất dịch tễ.
Thủy đậu do virut Varicella Zoster gây ra, chủ yếu ở các bệnh nhi, người lớn ít mắc. Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, chảy nước mũi và ho, sau đó xuất hiện các nốt đỏ ở mặt, thân, mình, tiếp theo các nốt đỏ mọng nước (phỏng rạ) như hạt đậu, nốt phỏng nước trong hoặc mủ đục mọc thưa thớt, không đều. Trẻ bị bệnh thường bứt rứt khó chịu. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, tuy lành tính và có thể tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày nhưng nếu để bội nhiễm sẽ dẫn đến biến chứng, nhiều khi rất nguy hiểm như viêm màng não, viêm gan, hoặc để lại vết sẹo vĩnh viễn trên da (trường hợp bị rỗ).
Điều trị chứng thủy đậu chủ yếu dùng pháp thanh nhiệt, thấu biểu, giải độc, lợi thấp. Xin giới thiệu một số bài thuốc chữa thủy đậu bằng kinh nghiệm dân gian sau đây:
Bài 1: Trẻ mới mắc phát sốt, nốt đậu dịch trong suốt, xung quanh sắc nhạt, đỏ, bệnh do phong nhiệt thấp độc uất lại ở phế vệ, cơ biểu, dùng: bạch vi 9g, thuyền thoái 3g, đạm đậu xị 5g, kim ngân hoa 6g, địa đinh thảo 6g, tang diệp 5g, bạc hà 1g, sơn chi vỏ 2g, liên kiều 6g, sắc uống ngày một thang chia 2 - 3 lần cho trẻ khoảng 3 tuổi. Nếu nốt đậu có nước đục xung quanh màu đỏ tía cần lương huyết, giải độc, gia bản lam căn 6g, bồ công anh 6g, sinh địa 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Trường hợp trẻ sốt nhiều, nôn mửa, khát nước, buồn bực, dùng bài Khoan trung thấu độc ẩm: cát căn 12g, tiền hồ 12g, cát cánh 12g, thanh bì 8g, chỉ xác 6g, thuyền thoái 8g, kinh giới 8g, sơn tra 8g, liên kiều 8g, mạch nha 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 3: Liên kiều 6g, đương quy 8g, xích thược 6g, phòng phong 6g, ngưu bàng 4g, thuyền thoái 3g, mộc thông 3g, hoạt thạch 8g, cù mạch 6g, kinh giới 8g, sài hồ 6g, hoàng cầm 6g, sơn chi 3g, thạnh cao 6g, xa tiền tử 4g, đăng tâm thảo 6g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 - 3 lần.
Bài 4: Nếu trẻ tiểu tiện vàng sẻn, nốt đậu ngứa ngáy dùng thuốc cay mát để tuyên thấu, thanh nhiệt, phân lợi: liên kiều 4g, kim ngân hoa 4g, bạc hà 4g, nhân trần 6g, xích thược 3g, đại thanh diệp 6g, sinh chi tử 3g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 5: Bệnh thủy đậu ở người lớn nếu nốt đậu nhiều, vỡ loét không đóng vảy được, dùng hoàng liên 8g, hoàng cầm 6g, hoàng bá 12g, chi tử 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 6: Bài thuốc dân gian thường dùng: lá tiết dê 20g, lá bạc thau 8g, lá rau bát 15g, lá bồ ngót 20g, lá quỳnh châu 10g, lá đào tiên 5g, lá diếp cá 20g, lá mặt trăng 10g, bông mã đề 15g, lá dâm bụt 5g, rau má 20g. Tất cả rửa sạch rồi vò trong một lít nước, đun sôi nước đó lên, lọc bỏ bã, để nguội dùng làm nước uống, bã xoa khắp người. Mỗi ngày dùng một thang trong 3 - 4 ngày liên tục.
Bài 7: Trường hợp nốt đậu đỏ tươi, xuất hiện nhiều ở ngực, bụng rất ngứa, sốt cao, khát nước, phiền toái, bứt rứt, ăn không ngon, mệt mỏi, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện khó, dùng bồ công anh 6g, địa đinh thảo 6g, hoàng cầm 5g, bạc hà 3g, mộc thông 3g, cam thảo 3g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, vỏ chi tử sao 3g, thuyền thoái 3g, hoạt thạch 10g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 - 3 lần.
Bài 8: Trường hợp trieu chung benh thuy dau với nốt đậu mọc nhiều, vỡ loét, ngứa ngáy, dùng mộc thông 3g, sinh địa hoàng 6g, hoạt thạch 4g, rễ chàm mèo 6g, liên kiều 5g, chi tử sao 5g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.
0 nhận xét: