Thủy đậu là bệnh thường gặp quanh năm và có diễn biến phức tạp nhất vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao do virut Varicella zoster (VZV) gây ra. Triệu chứng bệnh thủy đậu rất dễ nhận biết nổi mụn nước kèm các dấu hiệu như sốt, đau đầu, nóng ran, ngứa….
Bệnh thường diễn biến lành tính nhưng có thể gây thành đại dịch. Điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu là điều trị triệu chứng, người bệnh cần được chăm sóc và kiêng khem đầy đủ nếu không muốn gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thủy đậu với triệu chứng nổi mụn nước
Phần lớn bệnh nhân bị nhiễm là trẻ em 5-11 tuổi nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở người lớn. 90% đối tượng chưa chủng ngừa thủy đậu có khả năng mắc bệnh. Đáng lưu ý là khi nhiễm virus thủy đậu, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì trong hai tuần đầu, nhưng từ 2-4 ngày trước khi phát bóng nước (nốt rạ), bệnh đã có khả năng lây nhiễm.
Triệu chứng bệnh thủy đậu mà chúng ta nên lưu tâm:
+ Khi bệnh thủy đậu mới phát sinh, trên cơ thể người bệnh sẽ nổi những mụn nước có màu hồng nhạt ở các bộ phận như mặt, chân, tay, và nhanh chóng lan ra trên toàn thân trong vòng 24 giờ. Người mắc bệnh có thể bị từ vài nốt mụn đến hơn 500 mụn nước trên cơ thể tùy theo bị nhiễm bệnh nặng nhẹ và cơ địa, sức đề kháng từng người khác nhau.
+ Thời gian kể từ khi bạn bị nhiễm virus gây bệnh thủy đậu do tiếp xúc với người bị thủy đậu, sống chung môi trường với người bị thủy đậu mà hệ miễn dịch bị tổn thương cho đến khi bệnh bắt đầu có triệu chứng biểu hiện trên cơ thể trung bình là 14 ngày, có người bị sớm hơn (10-12 ngày) và có người trên 20 ngày mới bị phát bệnh.
+ Mụn nước do bệnh thủy đậu gây nên có kích thước từ l - 3 mm đường kính, bên trong có dịch nước, tuy nhiên nếu bệnh trở nên nặng hơn thì kích thước của mụn nước có thể lớn hơn thậm chí có màu đục do chứa mủ bên trong.
Triệu chứng bệnh thủy đậu dễ nhận biết nhất
+ Ở những vùng bị nổi mụn nước bạn có cảm giác nóng ran, ngứa rất nhiều, nếu bạn càng gãi, mụn nước bị vỡ ra thì bệnh càng nặng và nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng càng nghiêm trọng hơn.
+ Bệnh thủy đậu ở người lớn thường kèm theo triệu chứng sốt cao có thể trên 40oC, đau đầu, đau họng, các cơ đau nhức, toàn thân mệt mỏi, rã rời, buồn nôn và nôn nhiều.
+ Bệnh thủy đậu ở trẻ em kèm theo triệu chứng sốt nhẹ từ 37-38oC, biếng ăn, cơ thể bé khó chịu nên hay “chướng tính”, hay khóc, ho ít, nước mũi loãng trong.
Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Cách điều trị bệnh thủy đậu:
- Trẻ ốm phải cho cách ly tại nhà để tránh lây lan trong suốt thời gian từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vảy.
- Hằng ngày (ngày 2-3 lần) nhỏ mắt, mũi thuốc sát khuẩn như chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1%.
- Cho trẻ ngâm trong bồn nước ấm 1 – 3 lần mỗi ngày, lau nhẹ người bằng vải mềm, chú ý không làm vỡ bóng nước.
- Điều trị bệnh thủy đậu bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng ngừa nhiễm thêm vi trùng.
Giữ gìn vệ sinh thân thể, dạy trẻ không được gãi
- Cắt ngắn móng tay cho trẻ, dạy trẻ không được gãi, trẻ nhỏ nên được đeo găng tay để không tự làm vỡ bóng nước.
- Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh. Mọi trường hợp nhất thiết phải được thầy thuốc thăm khám bệnh chỉ định và hướng dẫn cụ thể.
- Giữ cho da của trẻ luôn luôn sạch sẽ. Quần áo phải được giặt bằng xà phòng và nước sạch rồi là trước khi mặc.
- Khi nốt phỏng vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh metilen; không được bôi mỡ tetraxiclin, mỡ penixilin hay thuốc đỏ.
- Khi thấy trẻ đột nhiên sốt cao hoặc nốt phỏng mọc dày chi chít, hoặc chảy nước mắt tự nhiên, sợ ánh sáng cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.
Bệnh thủy đậu là một bệnh nhẹ, song rất cần được chăm sóc chu đáo để không xảy ra biến chứng. Bệnh thủy đậu hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vác xin cho trẻ. Hãy bổ sung cho mình những kiến thức cần thiết về các loại bệnh để bảo vệ sức khỏe chính mình và người thân nhé!
0 nhận xét: